Như đương bồi hồi phục sinh hồi ức một quá vãng thời xa khi xuyên những cánh rừng Tây Trường Sơn. Và đâu đó ở xứ Tây Nguyên nữa, thoáng gặp những khoảng săng lẻ thân thẳng vút màu xám mốc nuột nà. Thuở trước chắc là xôm tụ, nhưng nay săng lẻ chỉ còn lác đác thưa thớt chứ đâu được quần tụ hoành tráng như ở đất Tương Dương này.

Như đương thoắt lui về quá vãng xa xăm, thuở Tương Dương thuộc vương quốc Bồn Man sau này thuộc đất Đại Việt với địa danh Trà Lân kháng cự giặc Minh trong Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi “miền Tà Lân trúc chẻ tro bay”!

Phải! Chỉ ở thời quá vãng xa xăm ấy thì mới có mới tồn tại những tổ hợp rừng săng lẻ huyền hoặc như này.

Săng lẻ loài thụ mộc quý hiếm ngành kiểm lâm gọi là nhóm 5 sau tứ thiết những đinh lim sến táu… Nhưng tôi ngờ rằng cách gọi và đặt tên ấy hơi bị vội. Mà đích cái giống này phải bình đẳng, phải ngang hàng với tứ thiết. Riêng có và hơi khác với kiểu vút thẳng và khép tán của loài đinh lim sến táu… Sinh thời tạo hóa cho loài săng lẻ cái dáng xám trắng thẳng vút chả cần sửa sang tô điểm gì đã sừng sững một giá trị tạo hình vừa đẹp vừa hùng. Khi hóa kiếp thì từ thớ thân đanh đuột nhưng nục nạc ấy vạc ra những tấm ván thứ vàng óng thứ đỏ au quấn quý thứ vân gỗ hình mây thế núi bầu nên tuổi thọ của hàng chục hàng trăm năm một đời săng lẻ! Gỗ ấy ván ấy chả cần ngâm tẩm gì mà cứ đanh chắc khi dựng nhà, khi đóng đồ.

Cụ Vi Chính Nghĩa - cố Bí thư Huyện ủy Tương Dương, người tiên phong trong công cuộc bảo vệ, giữ gìn cánh rừng săng lẻ

Ngày xa, bom Mỹ hủy diệt săng lẻ. Những cánh rừng săng lẻ xuyên rừng nguyên sinh Tây Trường Sơn trong thơ Thanh Thảo.

… Tôi đi giữa rừng già Cây lớn thế mà sao ít nói Bom Mỹ dội Có những cây bật gốc căm uất nhìn trời Cuộc sống bị chặt ngang chỗ này lại trồi lên chỗ khác

Rừng già săng lẻ ơi!

Rồi chuyển thời thứ thụ mộc quý hiếm ấy luôn là đích ngắm rỏ dãi cho cánh sơn tràng cùng lâm tặc. Cái nghề phá sơn lâm đâm hà bá bao đời đã đốn ngã đã hủy diệt loài săng lẻ này.

Tôi đang chôn chân ở tọa độ “săng lẻ quần tụ” rộng 241 ha thuộc xã Tam Đình huyện Tương Dương cách thành phố Vinh hơn 150 km. Tam Đình là một bộ phận của rừng quốc gia Pù Mát. Ngồi cùng chuyện với một già làng Tam Đình thấy như rôm cắn vì cảm giác nhớ lẫn tiếc. Nhớ tiếc bởi chả lẩu lâu lắm đâu như ba bốn chục năm trước thôi chứ mấy, những cánh rừng Con Cuông, Tương Dương ngược lên Mường Lống Nậm Cắn… bắt sang tận Lào, còn dày còn xanh đậm sắc nguyên sinh của giống lim nổi tiếng xứ Nghệ. Rồi thi thoảng lại lóe sáng sắc xám giống săng lẻ mùa thay lá. Vậy mà mắt trước mắt sau đã trơ khấc đã đỏ quạch cái màu đất chết vắng cây rừng. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt. Chả biết cái bọn ăn rừng chặt cây ấy chúng có rưng rưng nước mắt không? Nhưng nhiều thế hệ nước Việt bây giờ ngược rừng miền Tây Xứ Nghệ chả khỏi bùi ngùi khi nghĩ, khi ngó đến hàng ngàn vạn ha rừng cây ken dày gỗ quý ấy đã bị triệt hạ! Cứ lẩn thẩn nghĩ có lẽ những cánh rừng săng lẻ còn lại của Tam Đình bây giờ cứ như còn sót lại từ cái thời Bình Định vương Lê Lợi xửa xưa của trận Trà Lân trúc chẻ tro bay!

Lâm luật. Dưới luật còn vô số các Nghị định các chỉ thị nghị quyết của việc khoanh nuôi bảo vệ rừng. Dằng dặc bao năm rồi tồn tại các thiết chế ấy. Nhưng rừng nước Nam mất. Đã quang đã quạnh rừng. Thế cái khoảng xám trắng hơn 200 ha săng lẻ của Tương Dương này có luật riêng à?

… Tôi lại đang ngồi với ông bạn đồng nghiệp Cảnh Huệ, cái tên nghe thoáng chất nữ nhi nhưng nhiều năm đã từng bặm trợn xông xáo vùng rừng miền Tây Xứ Nghệ với chức phận phóng viên thường trú Báo Tiền Phong.

Chuyện của Cảnh Huệ như đang dẫn, đương trích về một điều luật độc đáo của Tương Dương. Đó là tinh thần giữ rừng của một cố Bí thư Huyện ủy Tương Dương - cụ Vi Chính Nghĩa.

Đó là mùa khô năm 1964, Lâm trường Tương Dương xin tỉnh Nghệ An khai thác rừng săng lẻ. Là người con của huyện nhà, người dân tộc Thái Tương Dương trưởng thành lên chức Bí thư huyện ủy nên ông Nghĩa từng quá quen thuộc với loài săng lẻ quê mình. Lẫm chẫm biết đi, ông đã thấy những cánh rừng săng lẻ xám mốc sừng sững bên bản. Những thân cây gấp mấy lần tuổi bố mẹ hoặc cụ kỵ nhà ông. Rừng săng lẻ giữ yên giữ êm cho mạch suối ngọt luôn ăm ắp nước cho dân bản. Giữ cho đất nương đất ruộng nước cho bà con cấy hái trồng tỉa… Thứ săng lẻ còi cọc sâu mọt được tỉa cắt khéo léo dựng nên những nếp nhà vững chãi. Cho đến đám trẻ sài đẹn khỏi bệnh bởi được uống nước sắc hoa lá săng lẻ, được tắm nước lá săng lẻ. Cây săng lẻ như loài cây thiêng. Như mảnh hồn của bản…

Góc rừng săng lẻ Tương Dương

Bí thư Huyện ủy Tương Dương Vi Chính Nghĩa tiếp nhận đơn của Lâm trường. Nhưng ông đã gửi kèm theo đơn đó một lá đơn khác với nội dung xin giữ lại diện tích rừng săng lẻ ấy! May mắn tỉnh Nghệ An đã đồng ý.

Thời gian tấm thoắt. Cụ Vi Chính Nghĩa được điều về Vinh làm Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.

Thời gian ở Vinh lần thì ghé quê, lần thì người nhà báo xuống, lòng dạ cụ Nghĩa như lửa đốt vì cánh rừng săng lẻ hơn 70 ha của quê nhà ngày một teo tóp vì phải đối mặt với nạn chặt săng lẻ trộm. Những lần ghé quê trực tiếp những động viên góp ý khuyên can… Nhưng chả thấm tháp gì!

Năm 1988, cụ Nghĩa về hưu, cánh rừng nguyên sinh quê nhà bị chặt không ít, nhiều khoảnh chỉ còn trơ gốc. Cựu Bí thư Vi Chính Nghĩa xin xã, huyện cho mình được trực tiếp giữ rừng.

Cụ mang một khẩu súng kíp. Một mình vào rừng dựng lán cách nhà hơn 1km. Cụ vận động bà con thành lập tổ bảo vệ “Khu rừng đặc dụng săng lẻ huyện Tương Dương”. Cụ động viên mọi người “tiền công giữ rừng có càng tốt, mà không có cũng làm”.

Năm 1989, cụ hướng dẫn bản Quang Thịnh và Tam Đình có hương ước với quy định, điều cấm để bảo vệ cánh rừng săng lẻ. Không được chặt hạ săng lẻ với bất cứ lý do nào, gia súc cũng không được chăn thả trong rừng.

Nhưng rừng săng lẻ của Tam Đình vẫn bị đốn hạ.

Cụ Vi ngày đêm xách súng đi tuần khắp rừng. Bọn trộm cây ngang ngược “rừng của ông mô mà ông giữ?”. Cụ nạt lại “Rừng của mi mô, răng mi phá?”

Một bọn gan lỳ bặm trợn chuyên bí mật cưa cây. Một ngày chạm mặt với cụ Vi. Cụ mời chúng vào lán uống nước hút thuốc. Thằng đầu lĩnh vớ khẩu súng kíp của cụ “ông già sắm thứ ni mần chi. Mắt mũi tuổi 80 bắn chác chi!” Cụ Nghĩa cầm lại khẩu súng, cười chỉ cho chúng thấy mấy con sóc đang vờn trong tàn cây trước mặt.

“Đứa mô vô rừng chặt trộm cây thì ngó con sóc tê!”

Rẹt! Rẹt… Hai phát nối nhau. Cặp sóc rơi phịch, giãy giụa...

Khó tính đếm những lần cụ Nghĩa phải nổ súng dọa, rồi bắt giữ. Cố nói chuyện phải trái với cha mẹ chúng nhờ họ giáo dục con cái “đừng có vô phá rừng ni nữa”.

Sức lan tỏa từ tấm gương “ông già gân” dần có tác dụng. Lực lượng dân quân, công an xã, Kiểm lâm rừng quốc gia Pù Mát… đã phối hợp với Tổ bảo vệ của cụ Nghĩa truy quét bắt giữ bọn lâm tặc liều lĩnh nhất.

Ông Vi Dương Cảnh (cháu gọi cụ Vi Chính Nghĩa là chú ruột) dần dà được cử làm tổ phó tổ bảo vệ “Khu rừng đặc dụng săng lẻ huyện Tương Dương”.

Rồi ông Vi Vĩnh Trường và một lão nông nữa đã thay ông cụ tuổi ngoài bát thập Vi Chính Nghĩa trông coi rừng săng lẻ. Huyện Tương Dương trích mỗi tháng bốn triệu đồng gọi là phụ cấp cho các thành viên tham gia giữ rừng.

Rừng săng lẻ Tam Đình nói chung và bản Quang Thịnh đã dần sạch bóng lâm tặc.

Nỗi lo 70 ha rừng săng lẻ của cụ Vi có nguy cơ biến mất đã được giữ lại và hồi sinh. Năm 2014, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt chuyển đổi “Rừng đặc dụng săng lẻ huyện Tương Dương” từ rừng sản xuất sang rừng đặc dụng. Trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rộng 53,85 ha, phân khu phục hồi sinh thái rộng 141,82 ha và vùng đệm là 45,93 ha. Rừng săng lẻ của đồng bào Thái nơi đây giờ đã có diện tích lên đến 241 ha! Đội giữ “Rừng đặc dụng săng lẻ huyện Tương Dương” đã tăng lên 11 thành viên, đại diện cho 11 hộ của bản Quang Thịnh.

Từ nhiều năm nay, “Khu rừng đặc dụng săng lẻ” trở thành điểm dừng chân quen thuộc của hầu hết du khách. Khúc đường cua quốc lộ 7 xuyên rừng săng lẻ, những chiếc xe khách thong thả dừng. Hành khách dư sức thưởng cái không khí trong lành. Cũng như đã nư con mắt ngắm ngó khung cảnh rừng săng lẻ nguyên sơ. Nghe nói huyện đang xúc tiến việc du lịch cộng đồng bằng hình thức dựng trạm dừng chân và các chòi quan sát xuyên rừng săng lẻ. Ở đó sẽ có xôi nếp nương, cơm lam ống nứa tươi, cá mộc bọc lá chuối nướng trên than hoa rượu cần cùng thanh cồng chiêng…

Chút ngậm ngùi khi nghe Cảnh Huệ cho biết người giữ hồn bản, hồn làng Vi Chính Nghĩa đã về trời nhiều năm nay.

Chạnh nhớ đến những cánh rừng nước Nam đang quạnh thưa dần đi những loài gỗ quý vì nạn lâm tặc. Buồn hơn những gương “Chính Nghĩa” giữ rừng như cụ Vi cũng đang dần vắng…

Xuân Ba